Hợp tác xã và vấn đề xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cao dược liệu

Nhiều năm qua, nghề nấu cao dược liệu ở làng Định Sơn, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ, đặc biệt là cao lá vằng đã được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến. Để có đầu ra ổn định cho các sản phẩm này, việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sẽ từng bước giải quyết vấn đề trên.

Hiện nay, mô hình HTX trên địa bàn xã Cam Nghĩa đã chuyển đổi theo luật HTX mới hướng đến lợi ích của các thành viên, đa dạng hình thức hoạt động kinh doanh. Các HTX mới thành lập như HTX Đại đoàn kết chuyên chăn nuôi lợn quy mô lớn, HTX dịch vụ tiêu Cùa, Qũy tín dụng ...đã phát huy được thế mạnh riêng để phát triển mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ hoạt động chuyên sâu từng lĩnh vực nên các thành viên HTX đã khai thác được lợi thế của địa phương trong quá trình đầu tư, tìm nguồn vốn, đầu ra cho sản phẩm và từ đó thu hút được sự quan tâm của các thành viên. Cũng chính từ khi chuyển đổi theo luật HTX 2012, hoạt động của HTX hướng đến quyền lợi của những thành viên tham gia, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật. Phải khẳng định rằng, cho đến thời điểm này, các mô hình hoạt động HTX trên địa bàn đã góp phần tăng thu nhập, phát triển kinh tế cho địa phương. Ông Nguyễn Văn Thon, PCT UBND xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ cho biết " Khi HTX thành lập và hoạt động theo kiểu mới thì vấn đề xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm địa phương được thực hiện từ đó đầu ra cho sản phẩm có hiệu quả hơn".

anhhtxbathuanh 1

 Nghề nấu cao dược liệu làng Định Sơn đã mang lại thu nhập cho người dân

Cũng chính từ hiệu quả hoạt động mà mô hình HTX mang lại, HTX cao dược liệu làng nghề Định Sơn được thành lập cuối năm 2016 với 30 thành viên là những gia đình có trên 10 năm kinh nghiệm sản xuất cao dược liệu, chủ yếu là cao chè vằng. Nhận thấy nghề nấu cao dược liệu nhiều năm qua đã mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, giải quyết việc làm. Tuy nhiên, các sản phẩm chủ yếu tiêu thụ theo hình thức nhỏ lẻ, hầu hết chưa có nhãn hiệu, thương hiệu nên giá trị sản phẩm chưa cao. HTX ra đời, bước đầu đã xây dựng được thương hiệu riêng cho sản phẩm của làng nghề. Gia đình chị Mai Thị Thủy làm nghề nấu cao dược liệu gần 10 năm nay. Ban đầu do hoàn cảnh gia đình khó khăn, thiếu vốn, chưa có kinh nghiệm nên chị Thủy chỉ nấu với quy mô nhỏ và chủ yếu là nấu cao lá vằng, nguồn nguyên liệu được thu hái ngay tại địa phương. Dần dần, thấy nhu cầu thị trường đối với các loại cao dược liệu ngày càng cao, vợ chồng chị đã đi nhiều nơi tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm để mở rộng quy mô sản xuất. Từ đó, chị đầu tư thêm phương tiện, cơ sở vật chất, thuê thêm nhân công để nấu nhiều loại cao dược liệu khác nhau. Hiện tại, cơ sở của chị nấu đến 16 sản phẩm cao các loại, trong đó nhiều nhất là cao lá vằng, cà gai leo, diệp hạ châu, hà thủ ô... Trung bình mỗi tháng, gia đình chị sản xuất 5 tạ cao. Nhờ đầu tư công nghệ ngày càng hiện đại, từ khâu chế biến đến đóng gói, bảo quản nên sản phẩm làm ra được nhiều người tin dùng, thị trường tiêu thụ rộng khắp trong cả nước. Sản xuất nhiều, việc thu mua nguyên liệu của chị cũng mở rộng vào đến các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi... Chị Thủy cho biết: "Nghề nấu cao dược liệu không khó, tuy nhiên đòi hỏi công phu, trải qua nhiều công đoạn khác nhau nên vừa tạo được việc làm cho gia đình và 10 lao động thường xuyên ở địa phương" .

Sau khi ổn định sản xuất và thị trường, chị Thủy bắt tay vào xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình. Riêng trong năm 2016, được sự giúp đỡ, hỗ trợ từ nguồn quỹ khuyến công huyện, chị Thủy tiến hành xây dựng thương hiệu cho 3 sản phẩm là cà gai leo, hà thủ ô và diệp hạ châu, nâng tổng số sản phẩm được công nhận thương hiệu lên 7 sản phẩm. Các loại cao sau khi được công nhận thương hiệu đã được bảo hộ sản phẩm độc quyền, cơ quan chức năng kiểm nghiệm, tất cả các yêu cầu đều đạt chuẩn và công nhận thực phẩm an toàn chất lượng, hạn chế được tình trạng hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Hiện nay, tổng thu nhập từ nghề nấu cao dược liệu của gia đình chị Mai Thị Thủy mỗi năm trên 600 triệu đồng. Không chỉ làm giàu cho gia đình, xây dựng được thương hiệu, trong năm 2016, sản phẩm cao lá vằng và tinh bột nghệ của gia đình chị còn được tôn vinh là "Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu" lần thứ 3 do UBND tỉnh Quảng Trị trao tặng.

Đánh giá về hiệu quả kinh tế từ việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cao dược liệu trên địa bàn Ông Nguyễn Văn Thon, PCT UBND xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ cho biết "Trước đây việc tiêu thụ sản phẩm của người dân gặp nhiều khó khăn, nhưng sau khi được sự quan tâm của ngành Công Thương, Liên minh HTX tỉnh, nguồn vốn hổ trợ đã tạo điều kiện để người dân trên địa bàn cải thiện cuộc sống".

Nghề nấu cao tuy không thể làm giàu trong ngày một ngày hai nhưng đem đến cho người dân một việc làm ổn định. Định Sơn có 138 hộ thì có hơn 70 hộ tham gia nấu cao dược liệu. Theo như chia sẽ của bà Nguyễn Thị Thi – thành viên HTX thì ngày trước, người dân chỉ nấu các loại cao lá phổ biến như lá chè vằng, cây chó đẻ, cây lá đung thì nay nghề nấu cao đa dạng hơn nhiều với các loại như dây leo lạc tiên, hà thủ ô, cà gai leo, vằng.... Giá cao được bán ra thị trường dao động từ khoảng 140.000-200.000 đồng/kg, tùy theo loại. Trừ chi phí các loại, mỗi hộ một ngày lãi khoảng 300.000 đồng.

Từ nghề nấu cao dược liệu đã giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho nhiều lao động. Để có đầu ra ổn định với giá trị sản phẩm cao thì chất lượng sản phẩm sẽ là thước đo khẳng định thương hiệu cho chính các sản phẩm để đưa ra thị trường. HTX ra đời với mong muốn sẽ có điều kiện để tập huấn thêm kỹ thuật sản xuất, nâng cao hơn chất lượng của sản phẩm cho các thành viên.

Tham gia HTX, các thành viên cũng đã hiểu được lợi ích cũng như trách nhiệm của mình, hơn ai hết mong muốn của các thành viên HTX là làm thế nào để duy trì và phát triển nghề nấu cao dược liệu để đem lại nguồn thu nhập ổn định. Quan trọng hơn là khi HTX đứng ra xây dựng được nhãn hiệu, thương hiệu và tìm đầu ra thì chắc chắn sản phẩm của các thành viên sẽ được thị trường đón nhận. Vấn đề mà HTX cũng như thành viên quan tâm đó chính là làm thế nào để chủ động được nguồn nguyên liệu tại địa phương vì các loại cao lá này có thể ươm giống và trồng với quy mô lớn.

Làng Định Sơn cũng đã được UBND tỉnh công nhận làng nghề nấu cao dược liệu vào cuối năm 2016. Tuy nhiên, để có thể duy trì và phát triển lâu dài thì việc xây dựng thương hiệu là bước quan trọng để đưa sản phẩm cạnh tranh trên thị trường. HTX cao dược liệu làng nghề ra đời và thực hiện được vấn đề này sẽ bước đầu giải quyết vấn đề đầu ra, vấn đề quan trọng hơn để HTX hoạt động hiệu quả , ngoài sự chung tay của 30 thành viên thì cần có sự góp sức của chính quyền các cấp và các sở ngành liên quan là hết sức cần thiết.

Ông Nguyễn Văn Thi- PGĐ HTX cao dược liệu làng nghề Định Sơn chia sẽ thêm: "Chúng tôi có những người nấu cao dược liệu có kinh nghiệm, nhưng chúng tôi vẫn luôn cần đến sự quan tâm của chính quyền các cấp và các Sở ngành liên quan để tạo điều kiện về chính sách, nguồn vốn cũng như tạo điều kiện để sản phẩm được tiếp cận thị trường nhiều hơn".

Tính đến thời điểm hiện tại, Định Sơn là làng nghề nấu cao dược liệu duy nhất của tỉnh. Nghề nấu cao dược liệu của bà con Định Sơn đã mở ra hướng sản xuất mới. Lãnh đạo địa phương cũng khẳng định, khi sản phẩm của làng nghề đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, nhu cầu sử dụng của khách hàng trong nước ngày càng nhiều, thì việc phải tính đến nguồn nguyên liệu lâu dài. Bởi vậy, xã đã quy hoạch vùng trồng dược liệu khoảng 2ha tại địa bàn làng Định Sơn, bước đầu thực hiện thí điểm để có cơ sở vận động người dân chuyển đổi sang trồng cây dược liệu. Cùng với việc xây dựng thương hiệu sẽ là bước quan trọng để đưa sản phẩm cao dược liệu vươn xa ra thị trường trong và ngoài nước.

 

Phòng Đào tạo, bồi dưỡng

Nguồn: Liên minh HTX Quảng Trị

Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Bạn đang ở: Home Tin tức Tin Kinh tế tập thể Hợp tác xã và vấn đề xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cao dược liệu