Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13, BCH TW Đảng khóa IX “Về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong nông nghiệp".
Lãnh đạo Ban Kinh tế TW và TP Hải Phòng thăm mô hình sản xuất của HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Liên Khê
Bí đầu ra cho sản phẩm
Sản phẩm cá vược của HTX nuôi trồng thủy sản Mắt Rồng (xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) nổi tiếng về chất lượng ngon, sạch. Mỗi năm, HTX cung cấp ra thị trường trên 300 tấn cá vược thương phẩm. Thế nhưng, lợi nhuận các hộ sản xuất thu được không lớn, do sản phẩm chủ yếu bán buôn cho thương lái hoặc bán lẻ tại các chợ, chưa có doanh nghiệp bao tiêu.
Ông Nguyễn Đức Văn, Giám đốc HTX cho biết, HTX chỉ tập trung sản xuất, chưa có kinh nghiệm trong quảng bá sản phẩm, thu hút doanh nghiệp liên kết, bao tiêu. Hơn nữa, HTX không có khu sơ chế, bảo quản cá sau thu hoạch, nên cá thu hoạch đến đâu, phải bán hết đến đó. Có thời điểm, các hộ nuôi thu hoạch cùng lúc, sản lượng cá lớn, tư thương ép giá bằng cách chậm thu mua. Với mỗi ngày bán chậm, các hộ chi phí khoảng 16 triệu đồng/ha tiền thức ăn, chưa kể các chi phí khác nên đành chấp nhận bán dù giá thấp. HTX muốn liên kết với doanh nghiệp chế biến thủy sản hoặc siêu thị để tìm được thị trường đầu ra ổn định cho cá vược, nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu?
Khó khăn ở HTX Mắt Rồng cũng là khó khăn chung của nhiều HTX trên địa bàn TP Hải Phòng. Ngay những HTX được đánh giá hoạt động đạt hiệu quả cao, năng động trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm sau chuyển đổi cũng gặp lúng túng. Như ở HTX Cấp Tiến (huyện Tiên Lãng, HP), Giám đốc Phạm Văn Tùng cho biết, đến nay, HTX mới chỉ liên kết bao tiêu được sản phẩm cho vùng sản xuất lúa giống Nếp Đăng Lưu hơn 10 ha và 10 ha dưa gang. Các sản phẩm khác của HTX như: dưa chuột, ớt, cà chua, khoai tây… các hộ thành viên phải tự lo khâu tiêu thụ.
Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012 đưa ra những cơ chế thông thoáng với kỳ vọng tạo điều kiện cho các HTX tiếp cận cơ chế thị trường, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thay cho mô hình trước đây. Thế nhưng sau 5 năm luật đi vào cuộc sống, thực tế phần lớn các HTX vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm.
Tại hội nghị Liên minh HTX 9 tỉnh, thành phố phía Bắc đầu tháng 7 tại Hải Phòng, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị là giải pháp được lãnh đạo liên minh HTX các tỉnh, thành phố đề xuất nhằm thúc đẩy các HTX phát triển bền vững. Theo ông Nguyễn Hữu Đạo, Phó chủ tịch Liên minh HTX và doanh nghiệp TP Hải Phòng, các HTX đang gặp rất nhiều khó khăn khi xây dựng và tham gia vào chuỗi giá trị. Khi liên kết, các HTX phải đáp ứng yêu cầu có sản lượng hàng hóa tương đối lớn, sản xuất ổn định, sản phẩm có chất lượng. Trong khi thực tế hiện nay, phần lớn các HTX hạn chế về năng lực, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, hiệu quả không cao.
Bên cạnh đầu ra thì nguồn vốn cho các HTX cũng là một vấn đề cấp thiết. Ông Nguyễn Đức Văn, Giám đốc HTX thủy sản Mắt Rồng (Thủy Nguyên, HP) cho biết, HTX “đói” vốn. Nếu có đủ vốn, các hộ nuôi cá chủ động được con giống, nguồn thức ăn, không lo tư thương ép giá. Đồng thời, đầu tư cải tạo ao nuôi, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh và dễ dàng hơn trong việc ký kết hợp đồng bao tiêu với các doanh nghiệp lớn cũng như đưa sản phẩm vào tiêu thụ trong các siêu thị.